Thunderbolt là gì? Chuẩn bị có Thunderbolt 4
Intel đã giới thiệu một thế hệ cổng kết nối hoàn toàn mới có tên là Thunderbolt 4 tại CES 2020, với mục tiêu nâng cao tốc độ kết nối Wi-Fi và Bluetooth nguyên bản. Để có cái nhìn rõ ràng hơn về Thunderbolt 4 thì trước hết chúng ta hãy tìm hiểu chi tiết về Thunderbolt.
Thunderbolt Là Gì?
Xuất hiện lần đầu trên các mẫu MacBook, đến nay Thunderbolt đã được Apple sử dụng thay thế hoàn toàn các cổng giao tiếp khác. Vậy thì Thunderbolt là gì mà Apple lại đánh đổi như vậy?
Thunderbolt là giao thức kết nối hay được gọi là chuẩn kết nối trên máy tính, do Apple và Intel hợp tác phát triển và ra mắt vào năm 2011. Là chuẩn kết nối cao cấp, cổng Thunderbolt cho phép các thiết bị liên kết với nhau và truyền tải dữ liệu nhanh hơn nhiều so với chuẩn USB truyền thống. Chẳng hạn như Thunderbolt 1 và Thunderbolt 2 có tốc độ truyền dữ liệu tương ứng là 10Gbps và 20Gbps. Ngoài chức năng truyền dữ liệu thì Thunderbolt còn có chức năng sạc laptop và các tính năng hay ho khác:
- Target Display Mode: biến iMac thành một màn hình ngoài cho MacBook hoặc Mac Mini.
- Target Disk Mode: biến máy Mac trở thành ổ cứng ngoài Thunderbolt để có thể đọc ghi dữ liệu.
- Cho phép laptop kết nối với 6 thiết bị/màn hình khác cùng lúc.
Thunderbolt 1 và 2
Thunderbolt hay Thunderbolt 1 được tích hợp trong cổng kết nối Mini DisplayPort, được xem là một cổng kết nối mạnh, nhưng vẫn phải bền và dễ sử dụng. Và Thunderbolt đã làm tốt vai trò của mình, Thunderbolt 1 với băng thông lý thuyết 10 Gbps (cho mỗi chiều gửi và nhận) đã khiến các chuẩn USB cần đến 2 năm sau (USB 3.1 gen 2) mới có thể đuổi kịp được.
Trong khi đó Thunderbolt 2 lại có tốc độ truyền dữ liệu gấp đôi là 20 Gbps xuất hiện chỉ sau 2 năm (2013) đã khiến chuẩn USB phải "hít khói".
Thunderbolt 3
Cho đến thời điểm hiện tại, Thunderbolt 3 vẫn đang là chuẩn kết nối mới nhất (và sắp tới là Thunderbolt 4). Thunderbolt 3 là sự kết hợp của hai giao thức khác nhau là PCI Express (truyền tải dữ liệu) và DisplayPort (truyền tải hình ảnh), sử dụng cổng kết nối USB Type-C phổ biến hiện nay.
Với các tiêu chuẩn Thunderbolt cũ, bản thân cáp nối đòi hỏi điện năng để hoạt động. Vì thế hầu hết các thiết bị Thunderbolt 1 hoặc 2 sẽ cần nguồn điện bên ngoài để hoạt động. Điều này đã làm cho giải pháp kết nối Thunderbolt khá đắt tiền. Cụ thể, dây cáp Thunderbolt đắt gấp 10 lần so với cáp USB có cùng độ dài. Tuy nhiên, sự ra đời của phiên bản Thunderbolt 3 đã xóa bỏ những nhược điểm trên, là một giao thức mới, thường sử dụng trên các laptop cao cấp, Thunderbolt 3 có nhiều ưu điểm vượt trội:
- Tất cả các dây cáp kết nối dùng chuẩn Thunderbolt 3 sẽ hoạt động không cần nguồn điện bên ngoài, đúng nghĩa plug-and-play.
- Chịu tải lượng điện năng lên tới 100W, cho phép cổng Thunderbolt 3 được dùng làm cổng sạc pin cho hầu hết các máy tính xách tay.
- Thunderbolt 3 có băng thông kết nối lên tới 40Gbps, cao gấp đôi so với thế hệ trước trong khi điện năng tiêu thụ thì giảm một nửa. Và gấp 4 lần khi so sánh với chuẩn USB 3.1 đang phổ biến hiện nay.
- Xuất video ra 2 màn hình 4K mà vẫn giữ được 60 fps.
- Kết nối với card đồ họa rời eGPU (trừ khi bị chặn bởi nhà sản xuất).
Thunderbolt 4
Thunderbolt 4 nhiều khả năng sẽ xuất hiện ngay trên các mẫu PC ra mắt vào vào cuối năm nay, và được tích hợp vào con chip Tiger Lake thế hệ thứ 11 của Intel.
Về cơ bản, Thunderbolt 4 không sở hữu quá nhiều điểm khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. Vẫn là sự kết hợp của hai giao thức PCI Express (truyền tải dữ liệu) và DisplayPort (truyền tải hình ảnh), sử dụng chuẩn kết nối USB Type-C. Tuy nhiên, sẽ có sự cải tiến đáng kể về tốc độ kết nối Wi-Fi và Bluetooth nguyên bản, khả năng hỗ trợ cáp dài hơn, độ phân giải màn hình lớn hơn cũng như nhiều nâng cấp đáng giá khác. Nếu như trước đây, tốc độ 40Gbps và màn hình 4K kép là mức hỗ trợ tối đa của Thunderbolt 3, thì hiện tại đây chỉ là mức hỗ trợ cơ bản nhất của Thunderbolt 4.
Thunderbolt 4 hiện đã được bổ sung khả năng hỗ trợ các dây cáp dài tới 2 mét và bạn cũng có thể kết nối với màn hình 8K. Các socket hiện có thể hỗ trợ tối đa lên tới 4 cổng Thunderbolt 4 và khi chuột hoặc bàn phím được kết nối với dock, người dùng có thể sử dụng chúng để đánh thức máy tính của mình khỏi chế độ ngủ.
Về tốc độ, Thunderbolt 4 được dự đoán sẽ hoạt động nhanh hơn Thunderbolt 3 bởi việc Intel từng tuyên bố rằng Thunderbolt 4 sẽ nhanh hơn bốn lần so với USB, khiến nhiều người mong đợi tốc độ băng thông là 80Gbps cho Thunderbolt 4. Tuy nhiên, đời không như là mơ khi Intel ngay sau đó đã làm rõ rằng Thunderbolt 4 sẽ nhanh hơn bốn lần so với USB 3.2 Gen 2, có tốc độ tối đa 10 Gbps. Tức là tốc độ của Thunderbolt 4 sẽ bằng với Thunderbolt 3 là 40 Gbps. Nhưng không sao, Thunderbolt 4 cũng đã có những nâng cấp đáng kể mang đến tính năng ưu việt, dự đoán sẽ soán ngôi vua của Thunderbolt 3 trong tương lại, dần trở thành một trong những trang bị cần phải có trên những chiếc máy tính xách tay cao cấp trong thời gian tới.
Để lại bình luận